Theo các bác sĩ tim mạch, nguy cơ tăng huyết áp (THA) ở người trẻ tuổi hiện ngày càng gia tăng, ai cũng có thể trở thành bệnh nhân THA nhưng nhiều người không hề hay biết. Cách duy nhất phát hiện THA là đo huyết áp, nên đo huyết áp khi có thể và ít nhất được đo huyết áp hàng năm.
Theo GS.TS. Nguyễn Lân Việt – Phó Chủ tịch thường trực Hội Tim mạch học Việt Nam, THA là bệnh lý tim mạch phổ biến nhất trong cộng đồng. Hiện tại có khoảng gần 1 tỷ người bị THA trên thế giới. Và đến năm 2025 thì tỷ lệ này dự đoán sẽ đạt 1,56 tỷ người THA.
Theo điều tra tại 8 tỉnh thành phố của nước ta từ năm 2009, tỷ lệ THA ở người từ 25 tuổi trở lên đã lã 25,1% nghĩa là cứ 4 người trưởng thành có 1 người THA. Gần đây một số điều tra dịch tễ khác còn thấy tỷ lệ THA ở một số vùng còn có thể đạt đến 30-40%.
“Tất nhiên người càng lớn tuổi thì tỷ lệ THA sẽ càng cao nhưng một số người còn trẻ hiện nay đã bị THA rồi. Nói như vậy để thấy THA là một bệnh rất phổ biến trong cộng đồng. THA có thể gây ra rất nhiều biến chứng khác nhau thậm chí gây tử vong cho người bệnh.
Tuy nhiên nếu chúng ta biết cách điều chỉnh để có một lối sống hợp lý và tuân thủ các tư vấn đầy đủ của thày thuốc để có một phương thức điều trị hợp lý nhất thì hoàn toàn chúng ta có thể kiểm soát tốt được bệnh lý này, hạn chế tối đa các biến chứng nguy hiểm của bệnh”- Phó Chủ tịch thường trực Hội Tim mạch học Việt Nam cho hay.
Hãy nhớ số đo huyết áp như số tuổi của mình. Ảnh minh họa.
Một điểm cũng cần lưu ý là THA được coi là “kẻ giết người thầm lặng” vì đại đa số người bị THA không có triệu chứng nổi bật gì, chỉ một số rất ít có thể có các biểu hiện như đau đầu chóng mặt, nóng bừng mặt, tim nhanh…
Do vậy, các bác sĩ tim mạch khuyến cáo dù bạn đã trưởng thành đo huyết áp chưa thấy tăng không có nghĩa sau này không bị THA. Cách duy nhất phát hiện THA là đo huyết áp. Bạn nên đo huyết áp khi có thể và ít nhất được đo huyết áp hàng năm.
PGS.TS Phạm Mạnh Hùng – Viện trưởng Viện Tim mạch Việt Nam cho rằng, nguyên nhân khiến bệnh THA ngày càng tăng và trẻ hóa là do sự thay đổi lối sống, chế độ ăn uống, vận động… không phù hợp (lối sống tĩnh tại ít vận động, hút thuốc lá, uống rượu bia, ăn nhiều muối, nhiều chất mỡ, đồ ngọt, đồ chế biến sẵn….).
Người Việt có nhiều thói quen ăn uống có thể dẫn tới việt THA hoặc khó kiểm soát huyết áp, đó là: thói quen ăn mặn (nhiều muối và/hoặc mì chính); ăn nhiều mỡ động vật, ăn nhiều các nội tạng động vật hoặc thức ăn chứa nhiều cholestrol khác như: lòng đỏ trứng, các thức ăn chế biến sẵn, đặc biệt các đồ chiên rán; đường, bánh kẹo ngọt hoặc thức ăn là tinh bột chế biến quá tinh, uống nhiều rượu bia…
Điều tra năm 2017 của Viện Tim mạch Việt Nam, tỷ lệ THA ở người dưới 40 tuổi chiếm trên 20% trong tổng số người bị THA. Tuy nhiên chúng ta hoàn toàn có thể đề phòng được sự xuất hiện hoặc tiến triển của THA bằng những thay đổi, thực hiện lối sống khỏe mạnh.
Viện trưởng Viện Tim mạch Việt Nam tư vấn người dân nên có chế độ ăn uống hợp lý: ăn tăng chất rau quả tươi và chất xơ; tinh bột chế biến thô; ăn nhiều cá thay vì thịt động vật trên cạn…
Hạn chế tối đa ăn các loại mỡ động vật trên cạn; phủ tạng; ăn ít muối (giảm ăn mặn); hạn chế đường kẹo ngọt, tinh bột chế biến tinh, không nên ăn các thực phẩm chế biến sẵn nhất là chiên rán…
Hạn chế tối đa rượu bia và đồ uống có cồn; không hút thuốc lá và tiếp xúc khói thuốc. Khuyến khích ăn nhiều rau, củ quả, cá hoặc thịt gia cầm bỏ da, ngũ cốc chế biến thô. Nên tập thể dục cường độ vừa đến nhiều ít nhất 30 phút mỗi ngày đều đặn và giữ trạng thái tâm lý không căng thẳng…
Người Việt ăn quá mặn, bác sĩ khuyên chỉ dùng 5gr muối/ngày
Nhiều ý kiến băn khoăn rằng liệu việc nấu ăn mặn liệu có phải là nguyên nhân gây bệnh THA, PGS. Hùng cho rằng, điều này cũng đúng một phần vì ăn mặn (nhiều muối) là một trong những nguy cơ gây THA cũng như gia tăng con số huyết áp khi bạn đã bị THA. Trong trường hợp này, cũng cần xem thêm các nguy cơ khác làm THA như đã nói ở trên.
Đặc biệt là cần thay đổi thói quen ăn mặn bằng cách giảm muối trong chế biến các đồ ăn. Lượng muối được khuyên tốt nhất là tổng số không quá 5000 mg muối ăn (5 gram, tương đương một thìa café nhỏ) trong ngày. Lưu ý là trong các thực phẩm chúng ta ăn thường ngày đã có lượng muối không nhỏ. Thêm vào đó nước chấm (gia vị) thức ăn lại càng thêm mặn – chuyên gia tim mạch cảnh báo.
Theo nghiên cứu của Viện Dinh Dưỡng Quốc Gia, đồ ăn của người Việt Nam ta có tổng lượng muối trung bình gấp đôi lượng muối nên dùng theo khuyến cáo. Trong khi đó, việc giảm muối đúng mức sẽ giúp giảm được 5-6 mmHg con số huyết áp. Lưu ý là mỳ chính cũng chứa nhiều natri và được coi như muối.
THA là một bệnh không thể tự khỏi được và cần điều trị lâu dài. Khi đã bị tăng huyết áp thì ngoài việc điều chỉnh lối sống rất cần phải điều trị các thuốc hạ áp một cách liên tục và lâu dài. Do đó việc sử dụng loại thuốc nào, phối hợp các thuốc hạ áp ra sao, liều lượng cụ thể như thế nào thì rất cần có sự tư vấn của các thầy thuốc chuyên khoa, tránh tác dụng bất lợi của thuốc rất nguy hiểm.
Gọi là tăng huyết áp khi huyết áp tâm thu (HA tối đa) >= 140 mmHg thủ ngân và/hoặc huyết áp tâm trương (huyết áp tối thiểu) >= 90 mmHg.
Như vậy, có thể cả số tối đa và số tối thiểu đều >= 140mmHg hoặc huyết áp tâm thu >=140mmHg hoặc HA tâm trương >= 90mmHg đều gọi là THA.
Nên lưu ý huyết áp của chúng ta có thể dao động nhiều, có người ở nhà thì thấy HA bình thường nhưng khi đến bệnh viện thì HA lại tăng cao hoặc ngược lại, đo HA ở nhà thấy tăng cao nhưng khi đến bác sỹ khám thì HA lại bình thường. Những trường hợp này nên được bác sĩ cho kiểm tra Holter Huyết áp 24h để có thể đánh giá được chính xác sự biến động của số đo Huyết áp và thời điểm huyết áp lên cao.