Ngày 14/6, ngày làm việc cuối cùng của Kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa XIV, Quốc hội sẽ biểu quyết thông qua một số dự án luật quan trọng, trong đó có dự án Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia.
Cụ thể, vào buổi sáng, Quốc hội sẽ biểu quyết thông qua Luật Thi hành án hình sự (sửa đổi); Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Kinh doanh bảo hiểm và Luật Sở hữu trí tuệ; Luật Giáo dục (sửa đổi); Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia; Nghị quyết phê chuẩn việc gia nhập Công ước số 98 của Tổ chức Lao động quốc tế về Áp dụng những nguyên tắc của quyền tổ chức và thương lượng tập thể; Nghị quyết về việc thành lập Đoàn giám sát chuyên đề của Quốc hội năm 2020.
Buổi chiều, Quốc hội biểu quyết thông qua Nghị quyết về kết quả giám sát chuyên đề “việc thực hiện chính sách, pháp luật về quy hoạch, quản lý, sử dụng đất đai tại đô thị từ khi Luật Đất đai năm 2013 có hiệu lực đến hết năm 2018”; Nghị quyết về chất vấn và trả lời chất vấn; Nghị quyết chung của kỳ họp.
Sau đó, Quốc hội nghe Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân phát biểu bế mạc kỳ họp.
(Đại biểu Quốc hội bấm nút biểu quyết.)
Trước đó, sau khi lắng nghe và tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến một lần nữa khẳng định sự cần thiết ban hành luật nhằm đáp ứng yêu cầu, nguyện vọng của cử tri về phòng, chống tác hại rượu bia về tai nạn giao thông, bạo lực gia đình và vấn đề sức khỏe lâu dài của người dân. Rượu, bia là nhóm 1 gây các bệnh ung thư.
Thứ hai, quá trình soạn thảo này đã gần 2 nhiệm kỳ của Quốc hội. Do những ý kiến khác nhau và đến giai đoạn này, qua giai đoạn thảo luận, nghiên cứu thì hầu hết các đại biểu đã đồng thuận với những nội dung chính mà lần này ban thẩm định đã trình bày.
Thứ ba, để thực hiện Nghị quyết Trung ương, Nghị quyết số 20 và 21 về giảm tiêu thụ rượu, bia.
Thứ tư, đến thời điểm này đã có 155 nước trên thế giới đã xây dựng luật này, có những nước đã đưa điều chỉnh lần 2 để mong bảo vệ sức khỏe. Ban soạn thảo cũng tiếp thu trên một bình diện là bảo vệ sức khỏe, vấn đề tai nạn giao thông, về bạo lực gia đình, về các ảnh hưởng của xã hội nhưng cũng nhìn chung để đảm bảo sự phát triển của ngành công nghiệp rượu, bia, về công nghiệp cũng như sản xuất thủ công và thu nhập của những người sản xuất rượu, bia để có một lộ trình thích ứng từ từ và có những giải pháp xử lý hành chính hoặc các luật hiện hành một cách nghiêm khắc hơn, đảm bảo tính đồng bộ, thống nhất các luật.
Chiều ngày 3/6, Quốc hội đã tiến hành lấy ý kiến đại biểu Quốc hội bằng hệ thống điện tử đối với một số nội dung trong dự thảo Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia. Các đại biểu Quốc hội đã biểu quyết thông qua quy định về quản lý quảng cáo, khuyến mại, tài trợ rượu, bia.
Kết quả, với 351/442 đại biểu tán thành (chiếm 72,52%), Quốc hội đã đồng ý đưa quy định khung thời gian không được quảng cáo rượu, bia trên báo nói, báo hình từ 18 giờ đến 21 giờ hằng ngày; ngay trước, trong và sau các chương trình dành cho trẻ em vào dự thảo luật.
Dự thảo Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia có bố cục gồm 7 chương, 36 điều quy định các biện pháp phòng, chống tác hại của rượu, bia, bao gồm: biện pháp giảm mức tiêu thụ rượu, bia; biện pháp quản lý việc cung cấp rượu, bia; biện pháp giảm tác hại của rượu, bia; điều kiện bảo đảm cho phòng, chống tác hại của rượu, bia; trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong phòng, chống tác hại của rượu, bia.
Trước đó, trong ngày 13/6, Quốc hội đã tiến hành biểu quyết thông qua luật Quản lý thuế (sửa đổi); luật Đầu tư công (sửa đổi) và luật Kiến trúc.
Về biểu quyết thông qua toàn văn luật Đầu tư công (sửa đổi): Số đại biểu tham gia biểu quyết: 450 (bằng 92.98% tổng số đại biểu Quốc hội); Số đại biểu đồng ý: 439 (bằng 90.70%); Số đại biểu không đồng ý: 7 (bằng 1.45%); Số đại biểu không tham gia ý kiến: 4 (bằng 0.83%). Như vậy, đa số đại biểu Quốc hội đã biểu quyết tán thành thông qua Luật Đầu tư công (sửa đổi).
Bên cạnh đó, Quốc hội cũng đã thảo luận tại hội trường về dự án Luật Dân quân tự vệ (sửa đổi) và dự án Luật Chứng khoán (sửa đổi).
Bộ trưởng bộ Quốc phòng Ngô Xuân Lịch và Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng đã tham gia giải trình ý kiến của các đại biểu Quốc hội.